Thấm thoát, Lệ Sa đã ở cạnh Thái Anh được 5 năm. Căn nhà giờ chỉ còn lại hai người, thằng Được lớn rồi, nó xin phép dọn ra ở riêng để tìm người ưng ý mà lập gia đình. Miệng thì nó nói vậy, nhưng cả hai đều biết, thằng Được muốn nhường không gian lại cho họ. Cuộc sống yên ả cứ bình đạm trôi, sự nghiệp của Thái Anh giờ cũng đã đủ chứng minh cái tài cái đức của cô trong lòng công chúng và anh em nghệ sĩ. Bởi Thái Anh tôn trọng nghiệp diễn, tôn trọng sân khấu và luôn khiêm nhường trước mặt anh chị em đồng nghiệp. Họ còn quý cô ở cái tình, cái nghĩa mà cô dành cho rạp Đại Đồng, nơi nuôi dưỡng và cho cô vinh quang như ngày hôm nay. Thái Anh từng nhận rất nhiều lời mời đến từ các ông bầu, bà bầu của mấy rạp lớn hơn Đại Đồng rất nhiều, nhưng câu trả lời của cô chỉ có một: rạp Đại Đồng còn, Thái Anh còn. Chính ông Tám Dư là người không nề hà một đứa dân quê chân chất mà thu nhận cô, cho cô tiếng thơm như hôm nay. Thành danh rồi, cô không thể vì chút lợi lộc mà quên đi cái ơn cái nghĩa ông Tám Dư và cô Út dành cho mình. Đích thân ông bầu của rạp Hưng Long, ông Hai Luông ngày nào cũng từng hạ cố đến nhà tìm gặp Thái Anh để ngỏ lời mời cô sang rạp Hưng Long. Thái Anh chỉ cười nhẹ rồi lắc đầu chối từ.
– Chắc chú Hai đã quên con là ai?
– Kìa cô, sao cô lại hỏi câu đó. Thì cô là cô đào Thái Anh, đất Sài Gòn này ai mà không biết đến danh của cô.
– Dạ không. Con là đứa nhà quê ăn bận rách rưới, không phải con nhà nòi trước đây từng đến rạp Hưng Long để xin được hát. Ngặt một nỗi, chú Hai đây là ông bầu có tiếng, đoàn của chú không có thiếu người nên con mới phải qua Đại Đồng. Giờ con không dám qua Hưng Long, sợ đá chén cơm của chú, mong chú lượng thứ cho.
Ông Hai Luông chưng hửng, cố gắng moi móc trí nhớ về những chuyện đã rồi, nhưng ông không tài nào nhớ nỗi. Ngày xưa ông đã đuổi không ít người đến xin hát, không ngờ trong số ấy ông đã vô tình ném một viên ngọc quý ra đường cho thằng cha Tám Dư lụm. Biết không thể thuyết phục, Hai Luông hậm hực ra về. Bổn tính sân si, ăn không được quyết phá cho hôi, Hai Luông cho xe chạy ngay đến toà soạn báo ông thân, xuống tiền hậu hĩnh cho một tay ký giả, quyết bám riết lấy Thái Anh nhằm hạ bệ cô.
– Em coi làm sao moi được tình ái hay tin nào sốt dẻo của con nhỏ này Qua coi, Qua thưởng hậu hĩnh cho. – Hai Luông căn dặn gã ký giả.
Nhận được khoản tiền lớn, tay ký giả bám lấy Thái Anh không sót giờ phút nào. Nhưng từ sáng đến tối khuya, khi cô giãn tuồng về đến nhà, hắn cũng không moi được gì. Lối sống của Thái Anh đơn giản, dung dị vốn không phải loại ca kĩ cặp kè hết người này đến người kia. Núp sau cột đèn, hắn cay cú.
– Chị Anh, dạo gần đây có một thằng cứ theo đuôi chị. Em quan sát nó một thời gian rồi, chị phải cẩn thận. – Thằng Được nhìn qua kiếng hậu, ánh mắt sắt lại.
– Chắc là ký giả muốn săn tin thôi, không sao đâu Được.
– Nhưng em thấy thằng này gian lắm, chị nên đề phòng thì hơn. Tối nhớ chốt cửa cẩn thận, còn bằng không thì em qua đây ở ít ngày cho hai chị an tâm.
– Ừ, thôi Được qua đây ở với tụi chị ít ngày đi. Lâu rồi chị em mình cũng không hàn huyên với nhau, nhớ cái thuở xưa quá.
Thái Anh cười nhẹ, vỗ vai thằng Được. So với thằng nhóc thích đánh đấm ngày xưa, giờ thấy Được biết nhìn xa trông rộng, lại điềm đạm hơn trước, Thái Anh cảm thấy yên lòng. Ngoài chuyện làm tài xế riêng đưa đón Thái Anh, thằng Được cũng học đờn ở chỗ Lệ Sa và thầy Bảy. Cuộc sống ổn định, nghề nghiệp rõ ràng, bà Ba ở dưới suối vàng chắc cũng đã yên tâm ít nhiều.
Điều thằng Được lo lắng vốn không dư thừa tí nào. Bám đuôi ròng rã suốt nửa tháng, cuối cùng tay ký giả cũng chụp được vài bô hình Thái Anh kề cạnh thân thiết với Lệ Sa. Hắn lập tức đem tin tức mình săn được về báo lại với Hai Luông. Hắn cầm xấp hình phe phẩy trên tay, hồ nghi.
– Chú em chắc chưa? Lỡ như tụi nó là chị em thì sao? Bây làm vậy lộ ra uy tín tao quăng cho chó gặm hả?
– Anh Hai yên tâm, em phải chắc hai đứa này có tư tình gì với nhau mới dám tâu lại với anh Hai. Ngặt nỗi bên cạnh tụi nó có thằng lính mặt mày bặm trợn quá, mấy lần em tính giơ máy lên chụp là bị nó phá. Sợ tụi nó sinh nghi, em chỉ đành đem số hình này về thưa chuyện lại với anh.
Hai Luông bán tín bán nghi, hắn quyết dùng một phép thử. Đêm trước khi Thái Anh ra diễn, hắn sai người gửi tặng cho cô một bó bông kèm với một tấm thiệp. Bên trong thiệp chỉ có tấm ảnh của cô và Lệ Sa, mặt sau hắn chỉ ghi ngày giờ và địa điểm hẹn. Nếu Thái Anh thật sự đến gặp hắn, chứng tỏ cô có tật giật mình. Về phần Thái Anh, giở tấm thiệp ra xem, mặt Thái Anh xanh cắt không còn một giọt máu. Cô vội cất tấm ảnh vào trong túi, nhét sâu trong ngăn tủ. Nhưng tất cả đều không lọt qua được con mắt của Lệ Sa, nhân lúc Thái Anh ra diễn, Sa đã lén lấy từ trong hộc tủ ra tấm ảnh. Người cô lạnh toát, đôi tay run lên khi thấy mình và Thái Anh bị chụp lén.
Đợi khi về đến nhà, Lệ Sa vẫn chờ đợi Thái Anh thuật lại chuyện hôm nay về tấm thiệp cho mình nghe, có gì cả hai còn san sẻ. Nhưng Thái Anh vẫn cứ coi như không có gì, suốt cả buổi cơm cô hoàn toàn không đề cập gì với Lệ Sa. Chung giường bao năm, chuyện nhỏ chuyện to gì Thái Anh cũng thủ thỉ với Sa, nhưng đêm nay Thái Anh suốt đêm chỉ im lặng.
Trưa hôm sau, Thái Anh y lời biên trên tấm hình đến điểm hẹn. Nhìn thấy Hai Luông ngồi đó nhìn cô cười đắc ý, Thái Anh không lấy làm lạ, cũng không tỏ ra lo sợ.
– Quý hoá quá cô Thái Anh, qua không ngờ cô chịu đến gặp Qua.
– Xin hỏi, chú Hai đây hẹn tôi đến là có chuyện chi?
– Qua thật sự rất mến mộ tài năng của cô Thái Anh đây, rất muốn mời cô về Hưng Long làm đào chánh. Không biết sau khi Qua ày tỏ thành ý vậy, cô Thái Anh có muốn thay đổi quyết định của mình không?
– Thật không phải với ông Hai, để ông nhọc công bày vẽ đủ đường. Dù ông có hỏi hàng trăm hàng ngàn lần, tôi vẫn chỉ biết mỗi rạp Đại Đồng. Xin ông lần sau đừng tốn công vô ích, chào ông.
– Nè, Qua đã nể tình cô em lắm rồi, đừng ép Qua ra tay. Thử hỏi xấp hình này mà in khắp trên các mặt báo, thì liệu không biết công chúng có còn ái mộ cô đào Thái Anh nữa không ấy ta?
– Ông ăn nói sao mà lạ lùng, ông in khắp mặt báo thì tôi còn phải cảm ơn ông ấy chứ. Cho tôi có cơ hội giới thiệu tri âm tri kỷ theo mình từ thuở hàn vi đến ngày rạng danh. Xét cái tình cái lý tôi không phụ ơn ai, sao tôi lại phải lo. Nếu không còn việc gì, tôi xin phép.
Đứng nép ở một góc, Lệ Sa đã nghe toàn bộ câu chuyện của Thái Anh và ông Hai Luông. Cô nhìn chằm chằm vào xấp hình để trên bàn của Hai Luông, đôi mày nhíu lại. Rời khỏi nơi đó, cô lập tức về nhà.
– Thái Anh, em vào trong buồng, Sa có chuyện muốn nói với em. – Lệ Sa nắm tay Thái Anh đi vội vào phòng ngủ.
– Sa sao vậy?
– Em mới đi gặp ai về?
– Em…em đi ra ngoài có chút chuyện thôi.
– Thái Anh, em trước giờ chưa từng nói dối lần nào. Em nói thiệt đi, có phải Hai Luông đe doạ em không? Thằng chả nói gì với em?
– Làm sao Sa biết?
– Giờ không phải lúc để nói chuyện đó, cuối cùng Hai Luông muốn gì ở em?
– Ông ta muốn em về Hưng Long, ổng dọa nếu em không về sẽ đưa xấp hình của chúng ta cho tòa soạn.
Lệ Sa đứng chôn chân một chỗ, tai ù đi, thẫn thờ. Ngó thấy bộ dạng của Sa như vậy, Thái Anh nhiều phần lo sợ. Cô ôm lấy Lệ Sa không buông, giọng thổn thức.
– Sa, em biết Sa đang nghĩ gì trong đầu. Ngàn lần vạn lần cũng đừng nghĩ đến chuyện đó, em sẽ lo được, ổng không làm gì được em đâu. Sa bỏ cái ý định đó đi.
– Nhưng mà…Thái Anh, sự nghiệp của em, danh tiếng của em…
– Thì bức quá em không cần chúng nữa.
– Nói bậy! Sao em có thể ăn nói như vậy. Ca hát là máu chảy trong người em, sân khấu là trái tim của em, cải lương là sự nghiệp cả đời của em, em nói vậy em không sợ Tổ trừng phạt em sao Thái Anh.
Lệ Sa nóng nảy bỏ ra ngoài, để lại Thái Anh một mình trong phòng với hai hàng nước mắt. Cô biết chứ, cô biết sân khấu đứng ở vị trí nào trong tim của mình, cô cũng biết cuộc sống mà không có sân khấu cầm bằng giết cô cho xong. Cô lại biết Lệ Sa đối với mình là cái tình hai mươi mấy năm, còn Đại Đồng là cái ơn cái nghĩa. Bên tình bên nghĩa cô không muốn mất một bên nào. Nhưng cô không thể cứ vì vậy mà mất đi Sa, hình bóng của Sa đã gắn liền với cô từ tấm bé, làm sao cô có thể dễ dàng buông tay.
Tin đồn cứ râm ran len lỏi vào từng hang cùng ngõ hẻm, khiến công chúng cứ sục sôi bàn tán. Tam sao thất bản, vẫn chưa ai biết tin đồn xuất phát từ đâu, cũng không biết là nghệ sĩ nào dính phải tin đồn oái oăm này, nhưng mười phần hết chín phần công chúng rất nóng lòng muốn biết người được nhắc đến là ai. Cuối cùng, cũng đến ngày nó len vào rạp Đại Đồng, để Lệ Sa nghe được. Cô chỉ biết tìm một góc suy tư.
– Bây trốn ở đây hèn chi tao kiếm nãy giờ muốn chết. Sao, lại có chuyện gì? Cứ hễ bây trốn ra đây là tao biết bây có chuyện không giải quyết được, đúng chưa? – Thầy Bảy vẫn luôn là người tinh tướng, cứ hễ thấy con Sa có chuyện là ông lại như một người thầy, một người cha xuất hiện bên cạnh.
– Thầy ơi, có cách nào để cái tình cái nghĩa vẹn cả đôi đường không thầy?
– Nữa, con này cứ ăn là dính vô tình cảm suốt hả bây? Sao, tía má bây cấm cản không cho bây lấy thằng nào đúng không?
– Nếu cho thầy chọn giữa sân khấu và tình cảm đôi lứa, thầy chọn bên nào?
Ông Bảy sững người, ông như bị con Sa điểm trúng huyệt tử, á khẩu. Trầm ngâm một hồi, ông mới chịu nói ra sự thật.
– Tao chọn sân khấu. Nói nào ngay, vì tao chọn sân khấu nên bây giờ tao mới làm thầy của bây. Còn người ta thì theo gia đình di dân rồi.
– Nói vậy là thầy…?
– Ừ. Hồi trước tụi tao thương nhau dữ lắm, cũng tính đến chuyện nên nghĩa vợ chồng rồi. Ngặt nỗi tía của bả nói cái nghề của tao chỉ có làm khổ con gái ổng, bắt tao bỏ mà đi theo nghề thợ xây. Ngẫm lại, cũng mấy mươi năm rồi. Mà không phải bả không thương tao, thương một người đôi khi phải chấp nhận hy sinh vì người đó, cái nào nên giữ thì giữ, cái nào nên buông thì buông. Bả biết tao sống không thể thiếu cây đờn được, cho nên bả nhường tao lại cho sân khấu.
Tiếng đàn, tiếng kèn vang rộn rã ở ngoài sân khấu. Lệ Sa giao vị trí đờn của mình lại cho thằng Được, đứng nép ở một góc nhìn Thái Anh. Lời ca, điệu lý cất lên não nề, Thái Anh trên sân khấu thập phần kiềm diễm. Chưa một lần nào Lệ Sa cảm thấy chán khi nhìn những khoảnh khắc xuất thần của Thái Anh khi đứng dưới ánh đèn vàng. Cô liếc mắt nhìn xuống khác giả, ai ai cũng dành cặp mắt yêu mến, say mê cùng nhân vật của Thái Anh trên sân khấu. Cô cười khán giả cười, cô khóc khán giả nức nở, từng tràng vỗ tay tán dương như muốn khẳng định thêm một lần nữa kiếp này Thái Anh sống là người thuộc về sân khấu, nếu có chết, có lẽ Thái Anh cũng muốn được chết trên sân khấu. Lệ Sa buồn bã trở về nhà, xem ra cô đã có quyết định của mình.
Tối đó, Lệ Sa ngồi trên ghế chờ Thái Anh trở về. Thằng Được cứ ngỡ như mọi ngày, nó đánh xe ra sân sau đậu rồi xuống bếp bới tô cơm ngồi ăn như mọi lần. Chỉ có Thái Anh vừa bước vào nhà đã cảm giác Lệ Sa hôm nay có chút khác lạ. Cô lo lắng ngồi xuống ghế đối diện.
– Sao Sa không ngủ? Hôm nay em diễn hơi khuya, bà con ở lại xin ảnh, xin chữ ký nhiều quá. Sa chờ em có lâu không?
– Thái Anh, hay là mình thôi đi.
– Sa có biết mình đang nói cái gì không? – Nước mắt Thái Anh chỉ cần nghe đến chữ “thôi” đã tuôn không ngừng.
– Vậy em nói Sa nghe, em chọn Đại Đồng hay Hưng Long?
– Đến Sa cũng bắt em phải lựa chọn sao? Làm sao em có thể….
– Đúng rồi, làm sao em có thể vô ơn quay lưng với Đại Đồng, vậy mình mới nên thôi đi Thái Anh.
– Sa tính bỏ em đúng không? Sa không thương em nữa sao?
Không thương? Cô thương Thái Anh đến chết thì có, làm sao có thể không thương. Cô tiến gần đến trước mặt Thái Anh đang khóc nức nở, ôm lấy gò má người thương, dịu giọng.
– Làm sao mà Sa không thương em cho được? Nhưng chúng mình không thể ích kỉ vì chuyện tình cảm mà liên lụy đến Đại Đồng, cũng không thể nào bắt em bỏ luôn nghiệp ca hát. Suy cho cùng thì Sa cũng chỉ là một người nhỏ bé, so với sân khấu thì người rời đi nên là Sa.
Thằng Được nghe lớn tiếng ở nhà trên, nó buông tô cơm đứng nép ở một góc nghe ngóng câu chuyện giữa hai người. Nhờ vậy nó mới biết được đầu đuôi cớ sự, nghe nhắc đến tên Hai Luông, có chết nó cũng không quên đó là thằng chủ ở rạp Hưng Long. Vậy hoá ra nó nghi không sai, thằng ký giả lén lút theo sau chị Anh của nó mấy ngày, là để làm ra mấy chuyện đê hèn này. Thằng Được tức giận, gan sôi sùng sục bỏ đi một nước.
– Sa đừng bỏ em, em không thể sống thiếu Sa được. Chi bằng…chi bằng em không cần công chúng nữa, em không cần sân khấu nữa. Tụi mình về quê sống với má có được không Sa?
– Bạc bẽo, vô ơn. Em nói vậy mà nghe được sao Thái Anh? Công chúng đã đẻ ra em, em phải trả ơn cho công chúng. Những tác phẩm em diễn, những quần áo em mặc, cái xe em đi cái nhà em ở đều là do công chúng ban cho em. Làm sao em có thể nói em không cần họ nữa?(*).
Tức giận, Lệ Sa quay người bỏ vào trong. Cô hiểu hết ý tứ của Thái Anh, nhưng nếu cô không dứt khoát thì người mang tội với công chúng, với sân khấu, với Đại Đồng không còn là Thái Anh mà chính là cô.
– Mình ơi!!! – tiếng gọi thống thiết của Thái Anh lại một lần nữa giữ chân Lệ Sa.
– Em gọi hai tiếng mình ơi bởi Sa từ lâu đã không còn là một người yêu, một người tri kỷ nữa. Tuy rằng tụi mình không được trời đất công nhận, có thể bị người đời ghét bỏ nhưng em sớm đã xem mình là một nửa của cuộc đời em. Em không cần ai công nhận cho hai đứa mình cả, em chỉ cần mình, em chỉ cần mình ở cạnh em mà bầu bạn cả đời thôi.
– Mình nghĩ lại đi mình, coi như em van mình, em lạy mình. Những lời đàm tiếu gieo đau khổ, họ nói xong rồi có sống thay được cho mình đâu?? Cả em, cả mình đều không được lựa chọn phải thương ai. Nhưng em muốn chọn được sống với mình hết kiếp này. Mình đừng bỏ em đi mà mình.
Trái tim Lệ Sa không nỡ nhìn thấy Thái Anh thê lương thế này, cô chỉ gác ý định sang một bên, ôm lấy Thái Anh vỗ về. Lòng dạ cô cũng rối bời, tiếng nức nở của Thái Anh luôn là điểm yếu chí mạng của Lệ Sa. Cô đau xót vô cùng, có nằm mơ cô cũng chưa từng nghĩ phải tổn thương đến người con gái này, giờ cũng lại chính là mình hại người ta cứ nức nở không thôi trong lòng mình. Dù Lệ Sa có vỗ về thế nào, Thái Anh vẫn cứ thổn thức. Mãi đến khi trời gần sáng mới mệt mỏi thiếp đi.
– Chị Sa ơi, chị thức chưa chị Sa? – Giọng thằng Được yếu ớt khẽ gọi ngoài cửa.
– Mày đến sớm kiếm…Mày sao vậy Được, ai đánh mày ra nông nổi này???
Thằng Được toàn thân máu me, mắt trái bị đánh sưng lên một cục to như trái chanh che luôn cả con ngươi. Nó ngước vô phòng thấy Thái Anh còn đang ngủ, bèn nắm tay Lệ Sa kéo ra nhà trên rồi dúi vào tay cô xấp hình với cuộn phim nhàu nát, dính máu.
– Đêm qua em lẻn vô nhà cha Hai Luông cướp nó về cho chị. Chị đốt lẹ đi để nó qua đòi lại.
– Được, mày vì tụi chị mà bị đánh thành ra như vầy sao Được??
– Em không có sao hết. Em bị đánh đó giờ quen rồi, hai chị cũng như chị ruột của em, lại là người có ơn với thằng Được này. Nếu không có hai chị kéo em lên đây, cho em cái nghề đàng hoàng, hổng chừng giờ em đã chết ở cái xó xỉnh nào rồi. Thôi chị đốt lẹ đi đừng nói nữa.
Lệ Sa thấy trong lòng như trút được gánh nặng, cuộn phim nằm ở đây, chắc có lẽ sẽ xoá hết tất cả bằng chứng gây hại cho sự nghiệp của Thái Anh. Từ giờ cô sẽ cẩn trọng hơn, kín tiếng hơn không để cho chuyện này tái phạm.
Đêm đó Lệ Sa vẫn như mọi lần, đứng sâu trong cánh gà nhìn Thái Anh biểu diễn. Cũng may vở tuồng hôm nay đã có người khác đờn thay thằng Được, còn cô thì tạm lánh đi ít hôm. Sân khấu ngân vang tiếng kèn, tiếng trống liên hồi, các nghệ sĩ vẫn đắm mình vào từng nhân vật thì một tiếng nổ lớn vang lên xé toạc màn nhung.
Tiếng người la hét, dẫm đạp náo loạn khắp rạp Đại Đồng. Lệ Sa kinh hãi, nhìn Thái Anh nằm bất động trên sân khấu, anh em nghệ sĩ kẻ đổ máu, người bị thương rên la khắp nơi. Lệ Sa chạy đến ôm lấy Thái Anh, lay gọi. Có ai đó đã ném lựu đạn về phía sân khấu.
– Thái Anh! Thái Anh! Mình đừng làm tui sợ. Tỉnh lại đi mình! Thái Anh!
Lệ Sa bật khóc nức nở, gọi tên Thái Anh không thôi. Nghe tiếng Sa, Thái Anh từ từ mở mắt. Cũng may tại thời điểm phát nổ, vai diễn của Thái Anh đứng sau hai anh lính nên chỉ bị chấn động nhẹ mà ngất đi.
– Thầy Bảy!! Thầy Bảy ơi!!!
Nghe tiếng có người gọi ông Bảy, Lệ Sa đặt Thái Anh nằm trên sàn rồi phóng nhanh xuống chỗ dàn ca ra bộ. Máu ở khắp mọi nơi, cơ thể thầy Bảy và mấy anh em trong đoàn ngồi gần vị trí quả lựu đạn rơi không ai còn nguyên vẹn. Lệ Sa ôm lấy xác thầy Bảy, run rẩy kêu gào khóc than.
– Thầy ơi thầy đừng bỏ con thầy ơi! Thầy Bảy ơi, đừng bỏ con lại thầy ơi!
…
Thủ phạm gây ra cảnh tang thương cho rạp Đại Đồng không ai khác ngoài Hai Luông. Tên đàn em được hắn sai đi ném lựu đạn sớm đã bị người dân tóm được, gông cổ về đồn. Sĩ quan sau một hồi tra tấn đánh đập cuối cùng cũng đã tra ra chủ mưu. Hắn nổi xung thiên lên sau khi bị mất xấp hình, cộng với đố kỵ ganh ghét với Đại Đồng và công việc làm ăn ngày càng đi xuống mà nhất thời xuống tay tàn độc. Cái giá để trả cho sự hẹp hòi ích kỷ này chính là sự tẩy chay của công chúng, anh em nghệ sĩ coi khinh và bản án thích đáng dành cho kẻ đã cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội.
Nhưng cái giá phải trả của rạp Đại Đồng là mạng người. Đã có tất thảy 6 người phải bỏ mạng, tàn tật vĩnh viễn bao gồm cả khán giả. Không khí tang thương bao trùm lấy rạp suốt một thời gian rất dài, ai ai cũng đều không vượt qua được nỗi ám ảnh của đêm hôm ấy. Lệ Sa ôm lấy cây đờn nguyệt không còn nguyên vẹn suốt cả ngày, ngồi như người mất hồn ở một góc sân khấu. Có lẽ đây là sự trừng phạt mà Tổ đã dành cho cô khi tham lam muốn cướp lấy người sinh ra là dành cho nghiệp diễn. Nhưng sao lại tàn nhẫn mà lựa chọn người cô kính như tía má, cô thương như anh em cho đặng.
Tai ương nối tiếp tai ương, dưới quê cho người lên báo tin, má Lệ Sa ở quê giữa đêm lên cơn đau tim đã không kịp chờ con gái mình trở về. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, đôi mắt nặng trĩu đã không còn nước mắt để khóc. Lệ Sa chỉ còn biết ngồi trước mộ má, đem tiếng đờn mà tía từng kéo thuở xưa tiễn biệt. Cô cho rằng ông Trời đang thật sự trừng phạt mình. Nếu lần này cô còn cố chấp ương bướng, chỉ sợ trời đất khó dung.
– Má ơi! Con sai rồi. Con hại má, hại thầy Bảy rồi má ơi.
Suốt cả một tháng trời Lệ Sa cứ như vậy đến thân tàn ma dại. Mặc cho Thái Anh có khuyên ngăn hết lời cô cũng đều tự trách bản thân mình. Đôi mắt tiều tuỵ lúc nào cũng như sắp khóc nhìn Thái Anh, Lệ Sa hỏi:
– Bây giờ là Hai Luông, liệu sau này còn có thêm thằng Hai Luông nào nữa không mình?? Chúng ta đâu thể nào giấu suốt đời, giấy làm sao mà gói được lửa?
Ánh mắt Thái Anh đau xót nhìn Lệ Sa, không nói nên lời. Giờ đây đoàn hát thành ra như vậy, tất cả cũng đều do lỗi của cô mà ra, sao cô có thể bỏ đi trong giờ phút này. Sân khấu cần cô, ông Tám Dư cần cô, rạp Đại Đồng cần cô, cô không thể đi.
– Mình đừng hát nữa, tụi mình đi khỏi chốn này đi. Đi càng xa càng tốt, đừng hát nữa.
– Mình à, mình nghe em nói. Em biết mình đau khổ vì sự ra đi của má, của thầy Bảy, nhưng sân khấu cần em, cần mình. Chuyện ra cớ sự như này đều là lỗi của em, chúng ta không thể đi mình à!
Lệ Sa không nói, chỉ lẳng lặng ôm lấy cây đờn rồi im lặng. Sau hơn 3 tháng đóng cửa, rạp Đại Đồng quyết định đứng dậy, vượt qua đau thương mà quay về với công chúng. Trước buổi diễn, Lệ Sa kéo Thái Anh ra một góc sân, nắm tay cô nói.
– Đêm nay để tui đờn cho mình hát.
– Có phải mình đã quyết định bỏ em mà đi không? – Thái Anh nén nước mắt vào trong, gặng hỏi.
– Là tui quấy, bấy lâu nay tui cứ cố chấp giữ mình ở bên cạnh. Chuyện vừa rồi là trời phạt tụi mình, giờ tui không thể nào để chuyện này làm hại thêm bất cứ ai. Sân khấu là mình, mình là sân khấu. Mình nghe đi, công chúng đổ đến Đại Đồng là vì mình, vì họ thương mình, mình không phải chỉ thuộc về tui, mình thuộc về công chúng, thuộc về Tổ nghiệp. Nếu chúng ta cứ cố chấp ở bên nhau, sẽ làm hại cho nhiều người khác.
– Mình nhất quyết để em lại một mình?
– Mình à!!! Mình phải sống cho nghiệp sân khấu thật huy hoàng, phải đền ơn cho công chúng. Hãy hát vì sân khấu này cho đến ngày mình không còn hát được nữa, có biết chưa?
– Được. Đêm nay em không diễn cho ai hết, em chỉ diễn cho một mình mình. Cứ coi như đây là lần cuối em diễn cho mình nghe. Mình từng hứa rằng sẽ đờn cho em hát đến cuối đời, nhưng xem ra sau đêm nay đờn cũng vỡ, tình cũng đoạn rồi. Thôi thì mình nán ở lại, đờn nốt cho em đêm nay.
Làm sao Thái Anh không biết Lệ Sa đã nghĩ gì suốt thời gian qua chứ? Đầu ấp tay gối bao nhiêu năm nay, Lệ Sa chỉ cần thở dài một hơi thôi là Thái Anh biết Lệ Sa muốn gì. Thái Anh còn biết Sa thương mình, nghĩ cho mình đến nhường nào. Phải chi cô là một người bình thường chứ không phải một cô đào có tiếng, có lẽ hai đứa sẽ an bình mà sống với nhau đến già. Nhưng cái đất Sài Gòn này, cô đi đến đâu họ đều nhận ra, sự việc nếu có vỡ lở thì người hứng chịu nặng nề nhất là Thái Anh chứ không phải Lệ Sa.
Nói rồi Thái Anh rời đi, quay về phía sau cánh gà thay xiêm y, vẽ mặt. Có lẽ Lệ Sa nói đúng, kiếp này cô sinh ra là dành cho nghiệp diễn, cho sân khấu. Cô không thể muốn có cả hai, vừa có được cái tình, vừa có được sự nghiệp, chỉ có thể chọn một trong hai. Thôi thì nếu đã không thể ở bên cạnh người mình thương bầu bạn đến cuối đời, thì cô sẽ cống hiến cuộc đời này cho nghệ thuật. Đêm nay, cô đành phải tiễn người thương của mình đi. Thái Anh đau chứ, cô chỉ muốn khóc thật lớn ngay tại lúc này, nhưng cuối cùng cũng đành nuốt ngược nước mắt vào trong để hoàn thành cho đêm diễn. Đến cả khóc cho bản thân mình cô cũng nghĩ thiệt hơn cho sân khấu, cho công chúng. Cô còn đòi đến được với ai?
Lệ Sa ngồi xuống chiếc ghế quen thuộc của mình, vị trí đờn nguyệt của thầy Bảy đã thay bằng một nhạc sư khác, chiếc ghế này, vị trí này từ nay đã không còn thuộc về cô. Lệ Sa nhắm hờ mắt, chờ đợi nhịp trống và tiếng gõ lách cách của song lang. Hít một hơi thật sâu Lệ Sa mở mắt nhìn lên sân khấu, Thái Anh của cô vẫn đẹp nhất là lúc đứng trên sân khấu. Có lẽ cô yêu Thái Anh một phần cũng vì biết Thái Anh hết lòng vì nghiệp cầm ca. Tiếng đờn vang vọng, phía sau có hàng trăm người, trên sân khấu còn có nghệ sĩ, thế nhưng trong đáy mắt Lệ Sa và cả Thái Anh chỉ có nhau. Ánh đèn vàng sân khấu chiếu sáng rực, nhưng trong tâm Lệ Sa, ánh đèn đó chỉ soi sáng cho Thái Anh. Từ trên sân khấu nhìn xuống, Thái Anh cũng không còn nhìn thấy công chúng cùng khóc cùng cười với mình nữa, cô chỉ nhìn thấy người ôm cây đờn nhị, kéo một khúc oán than cho hai người họ.
“Đường dù xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang”
Sân khấu lung linh dưới ánh đèn vàng, tiếng hò reo, cổ vũ dù cho có như một tràng pháo thì cũng chỉ vang vọng ngắn ngủi như tiếng pháo hoa. Những chiếc ghế chật kín người rồi thì cũng có lúc tan cuộc, tiếng ngân kéo dài của người nghệ sĩ dù có bi ai thống thiết cũng chỉ đủ lấy đi nước mắt người xem tại thời khắc đó. Lệ chưa rơi xuống đất đã vội ngưng thành sương, vở tuồng trên sân khấu há chăng có đau thương bằng cuộc đời ở ngoài. Một lòng đã phụng sự cho ánh đèn rực rỡ đó, chắc có lẽ vĩnh viễn không thể cởi xuống bộ xiêm y áo mão. Đờn nguyệt, đờn bầu có tấu lên khúc ca nào cũng như thực như ảo trách người sống trong tiếng vọng cổ si mê đã nhập thân thoát xác. Hay trách tiếng đờn nhị dưới điệu Dạ Cổ như thật như mơ, để cho trên đài chỉ còn lại một người hòa mình vào nhân vật – diễn mối đoạn trường chia ly.
“Sao nỡ phũ phàng”, có lẽ Lệ Sa mới chính là người phản bội lời hứa năm nào, nguyện cùng người sánh duyên sắt cầm. Nước mắt Lệ Sa tuôn không ngừng, cô buông dở nhịp đàn, quay người bỏ đi trước sự ngỡ ngàng của dàn nhạc sư. Họ vội vã thay chỗ của Lệ Sa tránh để trật nhịp trên sân khấu. Cô nghĩ cả đời này của mình không thể đàn được nữa, lời hứa đã vỡ như cung đàn đứt dây tơ, tấm chân tình đành đoạn chia đôi ngã, buốt tận đáy lòng.
Tâm chết thì đàn cũng vỡ đôi.
“Sa nè, sau này nếu như được đi hát, Sa đờn cho Thái Anh hát nha. Thái Anh chỉ muốn Sa đờn cho mình hát thôi.”
– Chị Sa! Chị Sa, em xin chị, em lạy chị. Chị đừng đi mà chị Sa. – Thằng Được ôm lấy cây đờn nhị đã bị Lệ Sa bức đứt dây tơ, nó gào khóc níu kéo cô phía sau cánh gà.
– Chị Anh không chịu nổi đâu chị Sa ơi, chị ở lại đi chị. Em dập đầu lạy chị, chị đừng bỏ chị Anh đi mà chị Sa.
– Được, nếu mày thương chị, mày ráng chăm sóc cho Thái Anh dùm tao nghen Được. Đời này tao chỉ tin tưởng mỗi mày, có sống có chết mày cũng phải ở lại với Thái Anh nha Được.
– Chị đừng đi mà chị Sa. Chị đi rồi chị Anh biết sống sao hả chị? Coi như em quỳ xuống đây xin chị, em lạy chị mà chị Sa.
Mặc cho thằng Được gào khản cổ van xin, Lệ Sa vẫn một mực bước đi. Sân khấu vẫn vang vọng giọng hát của Thái Anh, cô nghe rất rõ từng câu từng chữ nức nở của Thái Anh thống thiết như lời van xin sau cùng gửi đến mình.
“Là nguyện cho chàng
Hai chữ an bằng an
Mau trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi í a”
Nước mắt Thái Anh trên sân khấu tuôn như mưa, cuối cùng thì cô cũng không thể nào kiềm được lòng mình. Bà con ngồi dưới cứ ngỡ đó là một phần của khúc hát, thấy Thái Anh như trút hết ruột gan mình ra mà ca, lệ không thể ngừng cũng xúc động mà khóc theo. Hoàn thành câu hát, Thái Anh xoay một vòng quay lưng với khán giả, đôi vai run lên bần bật rồi ngã xuống nền sân khấu, ngất đi.
“Em thương mình mà mình ơi”
60 năm sau
Đêm nay là đêm diễn tôn vinh những cống hiến của người nghệ sĩ đã dốc hết lòng mình, cuộc đời mình cho nghệ thuật sân khấu. Bà đã dẫn dắt biết bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ, không lập gia đình, cố gắng truyền lại cho đời sau những gì tinh hoa nhất của nghệ thuật cải lương. Giờ đã đến tuổi xế chiều, bà muốn được một lần quay lại sân khấu để tri ân đến những công chúng đã cho bà cái tên mà sống với nghiệp đờn ca. Vì là một trong những cái tên nằm sâu trong lòng công chúng, cho nên buổi diễn này rất trịnh trọng, trang nghiêm.
Thằng Toàn sau khi dàn xếp sân khấu ổn thoả, nó men ra bên hông cánh gà tìm cho bằng được ông Tư. Ông Tư Được, là người đã đi theo bà Thái Anh từ tấm bé, ông luôn lo chu toàn cho bà trong từng buổi diễn. Mọi thứ muốn sắp xếp cho bà, đều phải qua sự đồng thuận của ông.
– Ông Tư! Ông Tư! Ghế con sắp hết rồi, ông Tư ra coi coi được chưa ông Tư?
– Bây làm với tao đó giờ bộ còn lạ tính tao hay gì lắm mà hỏi?
– Ông Tư, làm cũng lâu rồi, ông cho con hỏi, cái ghế trống để kế ông sao lần nào bà diễn cũng để vậy ông? Cho ai vậy ông Tư?
– Để chờ người ta quay dìa.
Ông Tư chỉ nói đến đó, rồi quay mặt đi hướng khác giấu đi những giọt nước mắt trực trào. Chiếc ghế đó đã theo Thái Anh mấy chục năm chưa vắng bóng ngày nào, nó vẫn luôn ở đó đợi một người. Dù đã đợi mấy chục năm và biết chắc người đó không quay về, nhưng nó chưa hề biến mất dù chỉ một ngày. Người ta cũng đã quá quen dàn nhạc sư tấu khúc cho Thái Anh lúc nào cũng có một chiếc ghế trống. Dù ai cũng đoán già đoán non là để tưởng nhớ đến những người ra đi vì vụ án năm xưa, nhưng cuộc đời này chỉ có hai người biết được sự thật, chiếc ghế đó dành cho ai.
– Ông Tư ơi! Có người tìm ông kìa!
Ông Tư chắp hai tay sau lưng, men theo hướng đứa nhỏ chỉ, bước ra ngoài. Ánh sáng bên ngoài hắt vào một dáng hình đi đứng chậm chạp, do ngược sáng ông không nhìn rõ đó là ai. Mãi đến khi đến gần, đôi chân già của ông run lên, hai tay lẩy bẩy đưa về phía trước, nắm lấy đôi tay còn lại.
– Trời đất ơi! Chị Sa.
– Được, mày phải không Được?
– Em, thằng Được của chị nè. Trời ơi, chị đi đâu mà mất dạng mấy chục năm vậy chị Sa ơi. Chị vô đi, chị Anh mà biết chị về, chắc chị mừng dữ lắm.
– Thôi Được. Tao ngồi ở xa coi được rồi. Mày đừng nói đã gặp tao nha Được.
– Chị Sa, chị về rồi thì gặp chị Anh đi chị. Chỉ không còn chờ chị được lâu nữa đâu chị Sa.
…
Đêm diễn bắt đầu, là một buổi trò chuyện nghề, chuyện đời trong nghệ thuật mà bà muốn chia sẻ với lớp người đi sau. Bà chỉ mong dù có tân thời thế nào, cũng mong lớp trẻ hãy nhớ, ông cha đã phát triển và gìn giữ nghệ thuật cải lương suốt cả trăm năm qua. Cải lương đã đưa lại một giá trị tinh thần cho người Việt Nam. Nó khai thác thế giới tâm hồn của con người, bằng cảm nhận của tinh thần, đạo lý. Vì vậy, cải lương – một nghệ thuật sân khấu đẹp trong hình thức lẫn nội dung, mang tính truyền thống đặc trưng của người dân Nam Bộ cần được lưu giữ và phát triển để thế hệ trẻ được học hỏi, hiểu biết thêm về nghệ thuật này. Cuối buổi, vì công chúng muốn nghe lại giọng hát mà họ say đắm một thời của bà, nên bà cũng đã vui vẻ đồng ý.
Suốt buổi biểu diễn, trò chuyện với đại chúng, bà vẫn luôn dõi theo thằng Được. Bình thường nó hung dữ, chưa lần nào bà thấy nó khóc, ấy vậy mà từ nãy đến giờ bà đếm không ít lần nó đưa tay quệt nước mắt. Bà chỉ thẳng tay xuống sân khấu, dùng micro nói to:
– Anh kia, tôi chưa hát mà anh khóc riết rồi làm sao tôi hát? Theo bao nhiêu năm giờ mới thấy tiếc vì sắp không được nghe tôi hát à?
Cả khán phòng bật cười, vỗ tay không ngớt. Thế rồi một bóng dáng đi chậm rãi phía sau ông Tư, vỗ vỗ nhẹ lên vai ông. Chiếc ghế mà bấy lâu nay bỏ trống, ngày hôm nay lại có người dám ngồi. Thấy cố nhân ngồi vào đúng vị trí dành cho riêng mình, ông Tư lau nước mắt, đưa cây đờn nhị của mình sang cho bà rồi đứng lên cáo lui.
– Ủa ủa? Chú Tư, ai ngồi cái ghế đó kìa chú Tư? Chú dặn không cho bất kỳ ai ngồi mà chú?
– Chủ nhân cái ghế về rồi. Hay nói đúng hơn là chủ nhân cây đờn nhị mà tao xài về rồi.
Ngày đi, mái tóc hãy còn đen chớp mắt đã hóa bạc đầu. Lệ Sa ngồi đó, ngậm ngùi nhìn lên sân khấu. 60 năm, cách biệt 60 năm, cuối cùng cũng có thể nhìn nhau được một lần trước khi quá muộn. Bà Thái Anh ngồi sững ở đó, nhìn chiếc ghế bao nhiêu năm không có ai ngồi, giờ người đó lại như ngày trẻ, ôm cây đờn ngồi đó nhìn bà, mỉm cười. Đôi tay bà run lên, môi mấp máy. Nhưng rồi vì nghĩ cho khán giả, bà lại nén nước mắt vào trong, mỉm cười đáp lại.
Đã lâu rồi bà không thấy bóng dáng đó đặt cây đờn nhị lên đùi, sẵn sàng đợi bà. Dù tóc cả hai đã bạc trắng, nhưng hình ảnh xưa vẫn khắc sâu trong tâm can như ngày nào. Tiếng đờn vẫn ai oán, thê lương kiềm buông thiết tha dù cho cử động đã chậm đi ít nhiều, đôi tay từng nắm lấy nhau giờ cũng nhăn nheo theo dấu ấn thời gian. Bà Thái Anh nhìn chằm chằm vào vị trí chiếc ghế, đáy mắt ngấn lệ, bà cất giọng hát.
“Thuở ấy thanh xuân trăng Gành Hào tròn như chiếc gương
Giờ tóc pha sương qua Gành Hào tiếc một vầng trăng”
[…]
Ngồi dưới mái hiên trên chiếc ghế dài, đôi mắt bà Thái Anh lim dim như sắp ngủ. Bà yếu ớt đưa bàn tay muốn nắm lấy đôi tay nhăn nheo bên cạnh.
– Mình ơi! Mình đờn cho em nghe đi.
– Ừ. Mình muốn nghe bài gì?
– Điệu Nam Ai.
Tiếng đờn du dương, cởi bỏ hết gánh nặng bụi trần chỉ còn lại âm thanh sâu lắng thăng trầm theo thời gian của Điệu Nam Ai. Bà Thái Anh cứ thế ra đi thanh thản trong tiếng đờn nhị mà mình thương, mình yêu cả đời. Khóe miệng bà còn vương lại nụ cười mãn nguyện. Cuối cùng thì người ta không có phụ lời hứa, người ta đã trở về để giữ trọn lời hẹn với bà rồi.
“Thiệt hông? Vậy tui đờn cho Thái Anh hát tới già, tới chớt luôn.”
– Mình đi nghen mình. Tui sẽ sớm đi theo mình. Kiếp sau tui lại tiếp tục đờn cho mình hát, nha mình!
Đời nghệ sĩ tựa ngọn gió trăng mây
Mong manh chóng vánh
Nhưng cao ngần tuyệt đẹp
Người nghệ sĩ không hy sinh
Không thành nhân vật
Không đắng cay chẳng hái được ngọt bùi
(trích Kẻ Độc Hành)
–HẾT –
Chú Thích:
Dạ cổ hoài lang là bản nhạc do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác, nói về việc nghe tiếng trống trong đêm mà thương nhớ chồng.
Ông Cao Văn Lầu (tức Sáu Lầu) đã thổ lộ với bạn thân rằng:
Tôi đặt bài này bởi tôi rất thương vợ. Năm viết bản Dạ cổ hoài lang, tôi đã ăn ở với vợ tôi được 3 năm mà không có con…Tiếng ra, tiếng vào của gia đình buộc tôi phải thôi vợ, nhưng tôi không đành. Tôi âm thầm chống lại nghiêm lệnh của gia đình, không đem vợ trả về cho cha mẹ mà đem gởi đến một gia đình có tấm lòng nhân hậu…Trong thời gian dài, phu thê phải cam chịu cảnh “đêm đông gối chiếc cô phòng”, Sáu Lầu thường mượn tiếng đàn để vơi cơn phiền muộn. Và bản Dạ cổ hoài lang đã ra đời trong bối cảnh như thế.
Trong một đêm ông Sáu Lầu trực gác tại Nhà đèn Bạc Liêu vào năm , do đau khổ trong hoàn cảnh nợ duyên ngang trái, ông xúc cảm viết thành bản nhạc lòng Dạ cổ hoài lang (Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng). Sau khi bản Dạ cổ hoài lang ra đời…ít lâu sau (nhờ vợ ông có thai) hai vợ chồng ông được tái hợp, để rồi sau đó hai ông bà đã có với nhau 7 người con.
Bản nhạc và lời ca đã sáng tác xong nhưng chưa có tên. Lại vừa đến rằm Trung thu (Mậu Ngọ, 1918) ông Lầu cùng các bạn đến thăm một nhà sư luôn tiện đem bản nhạc ra trình. Ông Lầu đã dùng chiếc đàn tranh vừa độc tấu một lần và vừa đàn vừa ca thêm một lần nữa. Lúc đó, ngoài các thầy trò còn có mặt nhà sư Nguyệt Chiếu (một người rất tinh thâm Hán học và nhạc cổ truyền), chính thầy Nhạc Khị đã nhờ nhà sư đặt tên cho bản nhạc vừa tấu và nhà sư đã đặt tên là Dạ cổ hoài lang.
(*) trích “Sân Khấu Về Khuya” – Soạn giả: Năm Châu.